RỘNG MỞ CƠ HỘI GIA TĂNG ĐỘ PHỦ TÀI CHÍNH SỐ

Để công nghệ số có thể tham gia sâu, rộng vào chiến lược tài chính toàn diện, vấn đề quan trọng nhất vẫn là xây dựng được hành lang pháp lý công khai, minh bạch để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính số đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro có thể trong quá trình thực hiện.

Công nghệ số hướng về sự tiện ích cho người dân

Những tưởng thông tin từ ngày 15/9/2024, các nhà mạng di động sẽ tắt sóng 2G chẳng liên quan gì đến thị trường tài chính. Thực tế lại khác, khi mà khoảng 11 triệu thuê bao 2G, những người sử dụng thiết bị đầu cuối là điện thoại 2G, hay còn gọi là điện thoại “cục gạch”, sẽ phải chuyển qua dùng smartphone nếu muốn có thêm cơ hội tiếp cận thông tin qua internet, học tập các kỹ năng số trên tiến trình cùng cả nước hình thành xã hội số, nền kinh tế số.

Đây cũng được coi là cơ hội lớn để tiếp tục bao phủ tài chính số (hay nói cách khác là công nghệ tài chính), thúc đẩy dịch vụ số đến người sử dụng điện thoại di động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhằm đạt mục tiêu của “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Chính phủ thực hiện từ năm 2020 đến nay.

Từ đó đến nay, cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số ngân hàng, dịch vụ công…, đã hình thành và phát triển nhiều nền tảng công nghệ tài chính (fintech) phục vụ người dân, doanh nghiệp, với nhiều cách tiếp cận, trải nghiệm số thiết thực trong đời sống kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, các mô hình kinh doanh kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến (O2O) thông qua hỗ trợ công nghệ và các giải pháp sáng tạo, từ hoạch định chiến lược và quản lý quan hệ đối tác, được hình thành và hoạt động liền mạch, hiệu quả. Là doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng mô hình O2O, Finviet triển khai thành công việc số hóa kênh thương mại tổng hợp truyền thống, từ đó thu hút nhiều thương hiệu lớn vào hệ sinh thái ECO của mình. Cũng nhờ tích hợp các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, một hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ đã được thiết lập thành công và chi tiết về từng tệp khách hàng, tăng cơ hội bán hàng, thâm nhập thị trường, gắn với quản lý hàng tồn kho theo dữ liệu thời gian thực…

Cũng không khó để kể ra một số mô hình fintech hàng đầu của Việt Nam như: Momo, ZaloPay, VNPay…, đã góp phần hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện khi cung cấp công cụ tài chính số hướng tới chuỗi giá trị hàng hóa từ nhà sản xuất tới các nhà phân phối, hộ kinh doanh bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng.

Mặt khác, các doanh nghiệp Fintech đang hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng thương mại và đối tác khác để mở rộng phạm vi dịch vụ, cung cấp các giải pháp thanh toán tiện ích hơn cho người dùng, phối hợp mở rộng danh mục sản phẩm và xây dựng hệ sinh thái tài chính số hoàn chỉnh. Điển hình như Momo, trong năm 2022, đã mua 49% cổ phần của Công ty chứng khoán Tín Việt để đưa sản phẩm đầu tư vào danh mục sản phẩm của mình. Tiếp đó, thương hiệu này hợp tác với Dragon Capital để cung cấp sản phầm đầu tư chứng chỉ quỹ cho khách hàng… Sự đầu tư “mạnh tay” này đã giúp cho Momo trở thành ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 53% thị phần, tập trung vào nhóm khách hàng trung bình và thấp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ðộng lực bắt nguồn từ sự đổi mới

Một báo cáo khoa học của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực trạng, xu hướng và những khuyến nghị phát triển thị trường Fintech cho thấy, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tại Việt Nam, thị trường Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư với khoảng 170 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nền kinh tế nước ta đang có sự chuyển mình tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi và thích nghi với trạng thái mới, các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng từ sau đại dịch Covid-19 đã phát huy tác dụng nên việc làm và thu nhập của người dân dần được cải thiện, tình hình vĩ mô cơ bản ổn định. Đó là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, nhất là đối với đất nước hơn 100 triệu dân, để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống thay vì sa vào cạm bẫy của tín dụng đen, lừa đảo tài chính.

Để công nghệ số có thể tham gia sâu, rộng vào chiến lược tài chính toàn diện, điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước biết, thấu hiểu người dân, doanh nghiệp cần gì, muốn gì đồng thời nghiên cứu thấu đáo cách đáp ứng các nhu cầu đó.

Tại hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số, ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội đều xác định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đã chỉ ra rằng, trong công cuộc chuyển đổi số, “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”.

Khi cơ quan quản lý nhà nước biết người dân, doanh nghiệp muốn gì, thì cần nghiên cứu cách đáp ứng. Đó chính là cách vận hành của một nền hành chính công thật sự do nhân dân và vì nhân dân mà chúng ta đang hoàn thiện

TS VŨ ĐỨC LỢI (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn tham khảo: https://nhandan.vn/rong-mo-co-hoi-gia-tang-do-phu-tai-chinh-so-post821063.html